Khởi đầu với Python

Khi bắt đầu với Python, thông thường, các bạn sẽ có hai vấn đề thắc mắc. Một là nên chọn phiên bản nào và sử dụng phần mềm nào hỗ trợ việc học lập trình Python. Trong bài viết này, mình sẽ đưa ra một số gợi ý, nhằm giúp các bạn trả lời câu hỏi đó.

Phiên bản Python

Python 2

Python 2 được phát hành năm 2000, với mục tiêu là cải thiện ngôn ngữ Python tốt hơn. Phiên bản 2.x hiện thực một số đặc tả kỹ thuật trong các bản đề xuất cải tiến Python (Python Enhancement Proposal)

Python 2.7 sẽ là phiên bản cuối cùng của nhánh Python 2.x

Python 3

Python 3 được phát hành vào tháng 12 năm 2008, mục tiêu chính của phiên bản này là cố gắng xử lý triệt để một số vấn đề còn vướng mắc ở phiên bản 2.x và hiện thực một số công nghệ mới để bắt kịp thời đại. Có một điểm đáng lưu ý đó chính là phiên bản Python 3.x hoàn toàn không tương thích với Python 2.x

Phiên bản mới nhất ở thời điểm bài viết là 3.8 được phát hành vào tháng 9 năm 2019 với ngày càng nhiều tính năng nổi bật.

Lựa chọn phiên bản

Python 2.x đã sắp sửa ngưng phát triển cần gì phải cân nhắc lựa chọn phiên bản nữa? Đúng, theo thông báo của nhà phát hành, Python 2.x sẽ dừng lại ở 2.7 và ngưng phát triển vào năm 2020. Nhưng việc xóa bỏ hẳn Python 2.x sẽ còn là một lộ trình khá dài. Trong gần 2 thập kỷ phát triển, Python 2.x đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực phần mềm, rất nhiều ứng dụng quan trọng được phát triển bằng Python 2.x. Nếu các bạn đang sử dụng hệ điều hành MacOS hay các Linux distros (Ubuntu…vv) đều đang được tích hợp Python 2.x là phiên bản mặc định.

Vậy, để lựa chọn phiên bản phù hợp với yêu cầu công việc của bạn, mình sẽ đưa ra 1 số so sánh/gợi ý (theo ý chủ quan của mình):

  • Về cú pháp, bản thân mình cảm nhận Python 2.x gọn gàng, dễ đọc hơn so với Python 3.x
  • Hỗ trợ Unicode: Python 2.x không hỗ trợ Unicode một cách mặc định, các chuỗi muốn lưu dưới định dạng unicode sẽ cần thêm tiền tố u phía trước. Các thao tác với chuỗi unicode cũng hơi rắc rối, các bạn có thể tham khảo tại đây. Do đó, nếu bài toán của các bạn liên quan đến nhiều về xử lý file, chuỗi có tiếng Việt, các bạn nên cân nhắc Python 3.x
  • Hiện nay, các thư viện ở các lĩnh vực mới như AI, IoT, Cloud thường được phát triển trên phiên bản 3.x nên nếu không bị ràng buộc về phiên bản, các bạn có thể bắt đầu trực tiếp với Python 3.x

Cài đặt

Python hiện tại hỗ trợ phần lớn các hệ điều hành thông dụng như Windows, Linux/UNIX, Mac OS X và một số hệ điều khác (AIX, IBM i, iOS, Solaris…). Với mỗi hệ điều hành, đều có bộ cài đặt với các bước đơn giản và dễ cấu hình, bạn có thể tải bộ cài đặt tại đây. Việc còn lại sẽ cực kỳ đơn giản.

Text editor hay IDE

Hy vọng đọc tới đây, các bạn đã quyết định được phiên bản Python mình sẽ tìm hiểu và cài đặt nó thành công. Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm 1 phần mềm hỗ trợ phù hợp giúp các bạn tiếp cận với Python 1 cách dễ dàng nhất. Trước hết, các bạn nên đọc qua bài viết giới thiệu về text editor và ide để có cái nhìn rõ hơn về nhu cầu của mình.

Dưới đây, mình sẽ giới thiệu một số phần mềm thông dụng khi bắt đầu với Python.

IDLE

Integrated Development and Learning Environment luôn đi kèm với các bản cài đặt của Python (nghĩa là khi bạn tải và cài đặt Python, phần mềm này sẽ được đính kèm). Khi mở phần mềm này lên, các bạn sẽ thấy giao diện như hình bên dưới.

Python shell sẽ thực thi tức thời từng dòng lệnh mà bạn gõ vào, bạn có thể sử dụng nó để thử nghiệm các toán tử, các hàm (function), lớp (class) được xây dựng sẵn (builtin) trong ngôn ngữ Python.

Ngoài ra, IDLE còn có thể sử dụng như 1 text editor đơn thuần với hỗ trợ highlight code, debug và thực thi file mã nguồn.

Nhược điểm của IDLE có lẽ là nó quá đơn giản, thiếu trực quan nên hơi khó cho người mới bắt đầu tìm hiểu.

Sublime text Và Visual studio code

Không cần phải giới thiệu nhiều về 2 text editors này vì chúng quá thông dụng. Ưu điểm lớn nhất của 2 phần mềm này theo mình ở các điểm sau:

  • Giao diện đơn giản, hợp lý và dễ sử dụng.
  • Cả 2 đều cho phép cài đặt, cấu hình và điểu chỉnh theme. Từ font chữ, size chữ đến các bộ màu sắc. Giúp bạn có trải nghiệm tốt nhất trong quá trình làm việc.
  • Cả 2 đều cho phép cài các gói hỗ trợ. Do đó, bạn sẽ dễ dàng tìm và cài đặt các gói hỗ trợ ngôn ngữ Python nhanh chóng, hỗ trợ các tác vụ như highlight code, debug và thực thi file mã nguồn và linting (cảnh báo với các cú pháp không theo chuẩn của ngôn ngữ), quản lý file và thư mục …vv

Nhược điểm khi sử dụng 1 trong 2 phần mềm này là cấu hình hơi phức tạp một xíu, đòi hỏi bạn có kinh nghiệm sử dụng qua.

Thonny

Thonny là một Python IDE mới nổi. Ưu điểm của Thonny là giao diện đơn giản, cấu hình nhẹ phù hợp với các bạn mới học Python.

Theo mình, Thonny rất phù hợp cho các bạn muốn tìm hiểu sâu về Python, ví dụ trên là quá trình thực thi debug hàm đệ quy tìm giai thừa của một số nguyên n, các bạn sẽ rất rất dễ theo dõi và hình dung được quá trình làm việc của Python.

Đây là một phần mềm mình rất khuyến khích các bạn sử dụng.

Pycharm

Jetbrains là một thương hiệu quen thuộc với hàng tá IDEs chất lượng hỗ trợ các ngôn ngữ, framework thông dụng.

PyCharm là một Python IDE rất nổi tiếng, một sản phẩm của Jetbrains. Hiện tại PyCharm đang được Jetbrains cung cấp 2 phiên bản:

  • PyCharm Professional Edition
  • PyCharm Community Edition

PyCharm Community Edition là phiên bản miễn phí, bị hạn chế một số chức năng (bạn có thể truy cập link về sản phẩm PyCharm để xem bảng so sánh) nhưng vẫn cung cấp rất rất nhiều tính năng tuyệt vời, hỗ trợ các lập trình viên Python. Với giao diện trực quan, thiết kế hợp lý, PyCharm hiện đang được xem là sự lựa chọn hàng đầu trong các dự án Python.

Nhược điểm của PyCharm là yêu cầu cấu hình tương đối cao.

 

Python – Ngôn ngữ tuyệt vời

Hướng dẫn thay đổi PHP version trên hosting

Hướng dẫn cài đặt plugin Really Simple SSL để hiển thị khóa xanh với các website WordPress

Các cấu trúc điều khiển, xử lý chuỗi đơn giản và Dictionaries trong Bash

Hướng dẫn kiểm tra email trên dịch vụ Email Hosting

Phân biệt IMAP và POP

Hướng dẫn cài đặt WordPress trên DirectAdmin (Evolution Skin)

Hướng dẫn reset password Windows 10 (Phần II)